Hà mã là một loài động vật to lớn, dễ thương và khá là hiền lành. Bên cạnh đó, hà mã cũng đóng vai trò quan trọng đối với cả hệ sinh thái. Cùng tìm hiểu 5 sự thật về loài hà mã trong những chia sẻ dưới đây của Công thức 60s.
Hà mã có thể di chuyển dưới nước như múa ba lê
Bạn có biết rằng hà mã có khả năng nhịn thở lên đến 6 phút mỗi lần dưới nước. Khi lặn, chúng sẽ đóng kín cả mũi lẫn tai để ngăn nước chảy lọt vào cơ thể.
Dù mang dáng vẻ nặng nề khi di chuyển trên cạn, nhưng dưới nước, hà mã lại thể hiện một phong thái hết sức thanh thoát, như những vũ công ballet thực sự vậy. Thay vì vẫy vùng và bơi bằng chân tay, chúng di chuyển bằng cách nhún nhảy từng bước nhẹ nhàng phía dưới đáy. Nâng cơ thể lên khỏi mặt nước và tiến về phía trước một cách thong dong, đơn giản.
Với kích thước khá lớn và thói quen bơi theo những tuyến đường cố định, hà mã thường di chuyển xuôi theo dòng chảy của nước. Tuy vậy, mặc dù chuyển động dưới nước uyển chuyển, chúng vẫn là loài động vật nặng ký, khối lượng có thể lên tới cả tấn. Chính vì vậy, đáy sông hay hồ nơi chúng di chuyển thường sẽ bị lún sau, và cây thủy sinh do đó cũng khó có thể phát triển.
Tốc độ di chuyển dưới nước của hà mã khá là chậm, chỉ đạt khoảng 8km trên giờ. Sau 3-5 phút chìm dưới nước, chúng cần nổi lên mặt nước lấy oxy để thở. Còn hà mã con có xu hướng nổi lên nhanh hơn, chỉ sau khoảng 2-3 phút thở dưới nước.
Hà mã yêu thương con của mình nhất trên đời
Giống như vua chúa thời xưa, hà mã là loài động vật có thói quen “đa thê”. Một con đực thường xuyên nỗ lực xây dựng một “hậu cung thê thiếp” cho chính mình. Nếu có sức mạnh và quyền lực, một con hà mã đực có thể chiếm hữu lên đến 200 con cái. Tuy nhiên, thông thường, số lượng vợ của chúng chỉ rơi vào khoảng 7 đến 15 con, bao gồm cả con cái và con non.
Giữa các con hà mã đực luôn có sự mâu thuẫn, không hề có sự hòa thuận. Điều này cũng đúng với mối quan hệ giữa hà mã bố và con. Hà mã đực sẽ không ngừng tìm cách tấn công con của mình bằng những chiếc nanh dài để thử thách sự dẻo dai. Ngược lại với bố, hà mã mẹ lại có một sự bảo vệ mãnh liệt đối với con cái. Nếu cần thiết, chúng sẽ trở thành những chiến binh đáng sợ để bảo vệ cho đứa con thơ của mình.
Một điều thú vị khác đó chính là hà mã sinh con dưới nước, dù cho hà mã sơ sinh không biết bơi khi mới chào đời. Sau khi hoàn thành việc sinh nở, hà mã mẹ sẽ lặn xuống nước, đẩy hà mã con lên mặt nước để con mình có thể thở được.
Ngay sau đó, hà mã con bắt đầu học bơi ngay tức khắc. Hà mã mẹ cũng sẽ cho con bú dưới nước thay vì trên bờ. Nếu không có khả năng bơi nhanh chóng, hà mã con sẽ gặp nguy hiểm, không bị chết đuối thì cũng sẽ bị chết đói. Nhưng hầu hết, hà mã con đã có thể bơi lội thuần thục trong một khoản thời gian rất ngắn.
Hà mã ăn rất ít so với mặt bằng chung các loài cùng kích cỡ
Vốn sống chủ yếu ở môi trường sông nước, để sống khỏe mạnh, hà mã cần phải có một nguồn nước ổn định, như sông hoặc hồ, với độ sâu khoảng từ 1,5 mét trở lên.
Vào ban ngày, hà mã thường nghỉ ngơi dưới nước hoặc trong bùn để tránh sức nóng trực tiếp của ánh nắng. Chỉ khi màn đêm buông xuống, nhiệt độ đã dịu đi, chúng mới leo lên bờ để tìm kiếm thức ăn – chủ yếu là cỏ.
Hà mã có trọng lượng từ 1,5 đến 3 tấn. Trong số các loài động vật có vú sống trên cạn, chúng đứng thứ ba về kích thước, chỉ sau tê giác trắng (1,5 – 3,5 tấn) và voi (3 – 9 tấn).
Thông thường, các loài động vật ăn cỏ với kích thước lớn thường phải tiêu thụ một lượng thức ăn tương đương với 5% trọng lượng của cơ thể. Bởi vì thực vật có hàm lượng dinh dưỡng rất thấp, khiến những loài ăn cỏ cần phải ăn nhiều hơn để bù đắp. Chẳng hạn, một con voi nặng 9 tấn phải ăn đến 450kg thức ăn mới duy trì thể trạng tốt được.
Tuy nhiên, hà mã chỉ cần lượng thức ăn ít hơn so với các loài khác, chỉ khoảng 1,5% trọng lượng cơ thể, tương đương 15-40 kg cỏ. Lý do mà thực đơn của hà mã có sự khác biệt này là do chúng có khả năng tiết kiệm năng lượng rất tốt. Suốt cả ngày, chúng hầu như không làm gì ngoài việc thư giãn và trôi nổi trên mặt nước. Từ đó giúp tiết kiệm sức lực một cách tối đa nhất.
Hà mã có khả năng tiết ” mồ hôi máu ” để dưỡng da
Mặc dù là động vật có vú, nhưng hà mã lại sở hữu một đặc điểm khá lạ là ít lông thậm chí là không có. Thay vào đó, chúng có làn da rất dày. Dày đến 6 cm.
Lớp da dày này sẽ bảo vệ hà mã trước các loài săn mồi đáng sợ. Tuy nhiên, dù có lớp bảo vệ bên ngoài khá dày, nếu da không được dưỡng đúng cách, nó sẽ dễ bị cháy nắng. Hà mã tiết mồ hôi nhanh gấp bảy lần các loài động vật có vú khác. Vì thế, chúng thường xuyên phải tìm cách ngâm mình trong nước để nhiệt độ cơ thể được ổn định.
Bên cạnh đó, hà mã còn có một cơ chế tự vệ cực kỳ đặc biệt. Chúng tiết ra một chất dịch màu đỏ để bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời. Người ta hay gọi nó là “mồ hôi máu”, nhưng thực chất đây không phải là máu hay mồ hôi, chỉ là một loại dịch có tính axit mạnh. Chất dịch này còn có tác dụng khác là giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh và hấp thụ tia cực tím có hại.
Lúc đầu trong không khí, chất lỏng này có màu trong suốt, nhưng sau khi tiếp xúc, nó sẽ chuyển dần sang màu đỏ hoặc cam và cuối cùng là màu nâu. Chất dịch này hoạt động như một màng bảo vệ tự nhiên, giúp da của hà mã không bị khô nứt dưới ánh mặt trời.
Hà mã đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng
Sự giảm sút của quần thể động vật này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, chủ yếu do môi trường sống của bị thay đổi quá nhiều. Khi các khu vực sống tự nhiên bị chuyển dần thành đất nông nghiệp, chúng còn bị săn bắt vì thịt và ngà răng.
Ngày xưa, hà mã phân bố đều ở các khu vực từ sông Nile ở Bắc Phi đến Mũi Hảo Vọng. Nhưng hiện nay, do mất môi trường sống và bị săn bắn quá mức, chúng chỉ còn lại một số ít ở khu vực miền Đông Trung Nam và Nam Sahara. Loài động vật này hiện được liệt kê vào nhóm dễ bị tổn thương (VU) do sự sụt giảm số lượng nghiêm trọng trong tự nhiên.
Hà mã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái trong khu vực. Sự suy giảm của chúng sẽ gây tác động lớn đến các loài động vật thủy sinh, đặc biệt là những loài phụ thuộc vào hà mã để tồn tại. Chính vì vậy, sự sống còn của hà mã có liên quan chặt chẽ đến sự ổn định của toàn bộ một chuỗi thức ăn cũng như sự vận hành của hệ sinh thái nơi chúng sinh sống.