Dạo gần đây, các vụ lừa đảo liên quan đến việc phạt nguội xe cộ đang gia tăng, gây thiệt hại tài chính cho không ít người. Thêm vào đó, khung xử phạt vi phạm luật giao thông sẽ có những điều chỉnh đáng kể bắt đầu từ năm 2025. Do vậy, việc nắm vững cách thức tra cứu phạt nguội trở nên vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người. Hãy cùng Công thức 60s khám phá các phương pháp tra cứu phạt nguội nhanh nhất, chính xác nhất nhé!
Dùng app VNeTraffic để tra cứu phạt nguội chính xác
Bước 1: Bạn cần tải và cài đặt ứng dụng VNeTraffic vào thiết bị di động của mình.
Bước 2: Tạo một tài khoản cá nhân bằng cách sử dụng chức năng quét mã QR trên thẻ CCCD để xác thực danh tính và nhận mã kích hoạt từ ứng dụng.
Bước 3: Hoàn tất đăng ký, bạn có thể khám phá giao diện chính của VNeTraffic, nơi hiển thị các tính năng chính như: Gửi phản ánh, Xem danh sách phản ánh đã gửi, Kiểm tra vi phạm, Thông tin biển số đấu giá, Lịch sử vi phạm giao thông…
Bước 4: Để tra cứu phạt nguội đối với phương tiện của mình, hãy chọn mục “Tra cứu vi phạm”, rồi nhập biển số xe để thực hiện tìm kiếm trên hệ thống của Cục Cảnh sát giao thông.
Bước 5: Nếu bạn muốn gửi thông tin phản ánh về vi phạm giao thông, hãy nhấn vào “Tạo phản ánh”, chọn loại phản ánh phù hợp, nhập thời gian, địa điểm sự việc xảy ra, mô tả chi tiết và đính kèm hình ảnh hoặc video (nếu có), sau đó nhấn nút “Gửi phản ánh”.
| Theo Điều 7 của Nghị định 176/2024/NĐ-CP, cá nhân hoặc tổ chức cung cấp thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ được nhận 10% số tiền phạt hành chính, với mức tối đa là 5 triệu đồng cho mỗi vụ việc. |
Phạt nguội là gì?
Phạt nguội là biện pháp xử lý vi phạm giao thông, trong đó người vi phạm bị xác định thông qua các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan chức năng hoặc bằng chứng từ các phương tiện khác như thiết bị của người dân, tổ chức, hoặc các hình ảnh, tin tức được đăng tải công khai trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều này xảy ra khi lực lượng chức năng không thể dừng xe để xử phạt trực tiếp ngay tại thời điểm vi phạm.
Tại Việt Nam, hình thức phạt nguội đã được áp dụng từ năm 2004, và đã đóng góp nhiều vào việc quản lý và đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là trong việc nâng cao ý thức chấp hành luật lệ của người dân. Mặc dù vẫn còn tồn tại một số hạn chế, nhưng với sự phát triển của hệ thống camera giám sát giao thông ngày càng rộng khắp, phạt nguội được kỳ vọng sẽ củng cố hành lang pháp lý trong việc xử lý các hành vi vi phạm giao thông.
Nộp phạt nguội vi phạm giao thông qua đâu?
Trước khi thực hiện thanh toán phạt nguội, người vi phạm giao thông cần phải đến cơ quan công an tại địa điểm vi phạm xảy ra hoặc nơi thường trú (nếu không sinh sống tại huyện nơi xảy ra lỗi) để hoàn tất thủ tục giải quyết vi phạm và nhận quyết định xử phạt. Sau khi có quyết định xử phạt, cá nhân hoặc tổ chức có thể lựa chọn một trong các phương thức nộp phạt được quy định tại Điều 20 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng có liên kết tài khoản với Kho bạc Nhà nước, thông tin được ghi rõ trong quyết định xử phạt.
- Thực hiện chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước, thông tin chi tiết có trong quyết định xử phạt.
- Sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc các dịch vụ thanh toán trực tuyến của ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian thanh toán để nộp phạt.
- Nộp trực tiếp cho cảnh sát giao thông trong trường hợp lỗi vi phạm bị phạt tiền dưới 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức.
- Thanh toán thông qua dịch vụ bưu điện.
4 cách tra cứu phạt nguội khác ngoài app VNeTraffic
Ngoài việc dùng app VNeTraffic để tra cứu phạt nguội, bạn cũng có thể thực hiện công việc này qua một trong các cách dưới đây:
Truy cập csgt.vn để tra cứu phạt nguội
Để kiểm tra phạt nguội ô tô hay xe máy thì chúng ta chỉ làm theo 3 bước sau đây:
- Bước 1: Truy cập website https://www.csgt.vn/tra-cuu-phuong-tien-vi-pham.html
- Bước 2: Nhập biển số xe cần tra cứu phạt nguội, nhập mã captcha để xác nhận.
- Bước 3: Bấm tra cứu và chờ kết quả trả về.
Check phạt nguội trên app VETC
Thực hiện theo các bước sau: Truy cập app VETC > Chọn mục kiểm tra, tra cứu phạt nguội > nhập biển số xe của bạn > bấm tra cứu và chờ app trả kết quả.
Tra cứu phạt nguội ô tô trực tiếp trên web của Cục Đăng kiểm
- Bước 1: Bạn hãy mở trình duyệt web và truy cập website của Cục Đăng kiểm Việt Nam tại địa chỉ www.vr.org.vn
- Bước 2: Tìm đến mục có tên “Phương tiện xe cơ giới” dành cho chủ sở hữu xe, thường được đặt trong phần “Tra cứu dữ liệu” ở phía bên phải giao diện.
- Bước 3: Nhập toàn bộ thông tin cần thiết để có thể thực hiện việc tra cứu. Cuối cùng, hãy di chuyển xuống cuối trang, nơi bạn sẽ thấy các thông báo liên quan đến phương tiện của mình do các cơ quan chức năng cung cấp.
Kiểm tra trực tiếp trên website của Sở Giao thông Vận tải
Cách tra cứu phạt nguội này chỉ áp dụng được với những tỉnh, thành có tích hợp tra cứu phạt nguội trên website của tỉnh đó. Bạn có thể tham khảo một số website dưới đây:
Tra cứu phạt nguội tại tỉnh Hà Nội:
https://csgt.congan.hanoi.gov.vn/tra-cuu-phuong-tien-gt
Tra cứu phạt nguội tại Thành phố Hồ Chí Minh:
http://csgt.catphcm.bocongan.gov.vn/wps/portal/Home/tra-cuu-vi-pham
Tra cứu phạt nguội tại Đà Nẵng:
https://vpgtcatp.danang.gov.vn/
Nếu không nộp phạt nguội, người điều khiển phương tiện có làm sao không?
Trong trường hợp người vi phạm không thanh toán tiền phạt nguội đúng thời hạn, họ sẽ phải đối mặt với việc bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mỗi ngày chậm nộp phạt, người vi phạm sẽ phải nộp thêm một khoản tiền tương đương 0,05% trên tổng số tiền phạt còn lại chưa nộp.
Đối với xe ô tô vi phạm giao thông mà chủ xe không nộp phạt nguội đúng thời hạn, xe còn có thể bị từ chối đăng kiểm. Theo quy định tại khoản 12 Điều 80 của Nghị định 100/2019, nếu người vi phạm chưa thanh toán khoản tiền phạt sau thời hạn nộp, cảnh sát giao thông sẽ thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa phương tiện đó vào danh sách cảnh báo về vi phạm hành chính trên hệ thống quản lý kiểm định. Điều này là một trong những căn cứ để các đơn vị đăng kiểm từ chối kiểm định xe theo khoản 6 Điều 4 của Thông tư 70/2015/TT-BGTVT.
Như vậy, nếu chủ xe ô tô không nộp phạt vi phạm giao thông, thông tin sẽ bị đưa vào danh sách cảnh báo trên hệ thống quản lý kiểm định và xe sẽ không được đăng kiểm. Trong trường hợp quá thời hạn đăng kiểm, chủ xe có thể bị phạt với mức tiền lên đến 16 triệu đồng. Vì những lý do trên, người vi phạm giao thông nên thực hiện nộp phạt nguội đúng hạn để tránh bị đưa vào danh sách cảnh báo và phải chịu thêm chi phí trả chậm tiền phạt.
LỜI KẾT
Công thức 60s vừa cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để giải đáp mọi băn khoăn về việc kiểm tra và tra cứu phạt nguội, đồng thời hướng dẫn chi tiết cách thức nộp phạt đúng thời gian quy định. Bạn nên thường xuyên kiểm tra xem phương tiện của mình có bị phạt nguội không để ngăn chặn những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra.